Cẩm nang chăm sóc bé

9 điều cha mẹ nên làm thay vì đánh con

Nghiên cứu khẳng định rằng nhiều bậc cha mẹ thực sự không thích phải đánh con mình, nhưng họ không biết phải làm gì khác. Tiến sỹ Murray Strauss từ Trung tâm Khảo sát Gia đình khẳng định rằng việc đánh đòn đồng nghĩa với việc dạy trẻ sử dụng những hành vi tiêu cực và bạo lực để giải quyết vấn đề. Nó chỉ làm tăng và kéo dài hành vi bạo lực, thứ mà xã hội đang thực sự lo ngại. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng trẻ thường bị đánh có xu hướng tự đánh giá thấp bản thân, tuyệt vọng và chấp nhận những công việc lương thấp khi trưởng thành. Vậy, bạn nên làm gì thay vì đánh con ?

1-    Giữ bình tĩnh

Đầu tiên, nếu bạn cảm thấy giận dữ, mất kiểm soát và bạn muốn đánh hay tát con bạn, hãy thoát khỏi tình huống nếu có thể. Giữ bình tĩnh và giữ im lặng. Khi yên tĩnh bạn sẽ tìm ra một phương án hay giải pháp khác để giải quyết vấn đề. Đôi khi, các bậc cha mẹ không làm được điều này đi vì họ thường chịu khá nhiều áp lực. Bữa tối thì chưa nấu xong, đám trẻ thì đánh nhau, điện thoại reo liên tục và con bạn hậu đậu làm rơi hộp kẹo tung tóe thì bạn hẳn sẽ mất kiểm soát. Nếu bạn không thể bỏ đi lúc đó, hãy trấn tĩnh lại và đếm đến mười.

2-    Dành thời gian cho bản thân

Các bậc cha mẹ thường sử dụng đòn roi khi họ không có thời gian cho bản thân và khi họ cảm thấy kiệt sức và nóng vội. Vì vậy, điều quan trọng là hãy dành thời gian cho bản thân để tập thể dục, đọc sách, đi bộ hoặc ngồi thiền.

3-    Hãy nhẹ nhàng nhưng kiên quyết

Một tình huống khác xảy ra khi các bậc cha mẹ có xu hướng muốn đánh đòn con đó là khi trẻ không nghe lời khi được nhắc nhở nhiều lần. Cuối cùng, bạn đánh đòn để con miễn cưỡng thực hiện. Một giải pháp khác cho những tình huống như thế này là bạn phải làm trẻ nghe lời bằng cách dùng ánh mắt, cử chỉ nhẹ nhàng và ân cần nói với con trong một câu ngắn nhưng kiên quyết, khẳng định đó là điều bạn muốn con làm. Giả sử như “Bố/Mẹ muốn con chơi yên tĩnh”.

4-    Đưa ra sự lựa chọn cho con

Đưa cho trẻ lựa chọn là một phương án thay thế hiệu quả cho đòn roi. Nếu trẻ nghịch đồ ăn trên bàn, bạn nói “Con muốn dừng việc nghịch đồ ăn hay con muốn rời khỏi bàn ăn?” Nếu trẻ tiếp tục nghịch đồ ăn, bạn nên sử dụng hành động nhẹ nhàng nhưng kiên quyết là đưa trẻ rời khỏi bàn ăn, sau đó nói với con có thể quay trở lại khi sẵn sàng để ăn mà không nghịch thức ăn.

5-    Sử dụng quy luật nhân quả một cách hợp lý

Nhân quả là bài học rất tốt giúp dạy trẻ cư xử có trách nhiệm. Ví dụ, con bạn làm vỡ cửa sổ nhà hàng xóm và bạn phạt con bằng cách đánh đòn. Thì điều con học được từ tình huống đó sẽ là gì? Trẻ có thể học được là không bao giờ được làm như thế nữa, nhưng chúng cũng học được rằng chúng cần che giấu lỗi lầm, đổ lỗi cho người khác, nói dối, hay đơn giản là không để bị bắt gặp. Trẻ có thể mặc cảm rằng chúng chả ra gì hoặc cảm thấy giận dữ và có hành vi chống lại người đã đánh chúng. Khi bạn đánh trẻ, trẻ có thể biết lỗi vì chúng sợ bị đánh lần nữa, nhưng, bạn muốn trẻ cư xử tốt vì chúng sợ bạn hay vì kính trọng bạn?

Cũng tình huống huống tương tự, khi một đứa trẻ làm vỡ cửa kính nhà hàng xóm và cha mẹ nói “Bố/Mẹ đã nhìn thấy con làm vỡ cửa sổ nhà bác ý, con sẽ làm gì để sửa lại nó?” sử dụng một tông giọng nhẹ nhàng mà kiên quyết. Đứa trẻ đó quyết định cắt cỏ và rửa xe cho bác hàng xóm để bù đắp thiệt hại do việc làm vỡ cửa sổ. Và trẻ học được gì từ tình huống này? Rằng lỗi lầm là một phần tất yếu của cuộc sống và đừng quá quan trọng là trẻ đã gây ra sai phạm, mà chú ý tới việc trẻ đã có trách nhiệm trong việc sửa chữa sai lầm. Vấn đề là bạn cần bỏ qua lỗi lầm và tập trung vào trách nhiệm sửa chữa lỗi lầm đó. Trẻ sẽ không cảm thấy giận dữ hay chống đối lại cha mẹ. Và điều quan trọng nhất là lòng tự trọng của trẻ không bị tổn hại.

6-    Cho trẻ đề xuất phương án khắc phục sai lầm

Khi trẻ không thực hiện thoả thuận, cha mẹ thường phạt chúng. Một giải pháp thay thế là để trẻ tự đưa ra phương án khắc phục. Giả dụ, vài cậu bé đến chơi nhà Ben, bố Ben yêu cầu chúng không được ra khỏi nhà sau 8g tối. Nhưng sau đó những đứa trẻ tự phá thỏa thuận. Người cha vô cùng tức giận và phạt bằng cách không cho bọn trẻ đến chơi trong vòng 2 tháng. Ben và đám bạn trở nên giận dữ, thất vọng và bất hợp tác vì hậu quả của sự trừng phạt. Người cha nhận ra điều ông đã làm, ông xin lỗi vì đã phạt chúng và cho chúng biết ông cảm thấy bị phản bội như thế nào và nói cho chúng biết sự quan trọng của việc giữ lời hứa. Sau đó ông đề nghị bọn trẻ tự đưa ra phương án sửa chữa sai lầm và chúng đã quyết định sẽ dọn vười cho ông. Bọn trẻ bỗng cảm thấy hứng thú và nhiệt tình với công việc này và từ đó bắt đầu biết giữ lời hứa.

7-    Ngừng tranh cãi

Trẻ hỗn xược với cha mẹ có thể khiến cha mẹ muốn tát chúng. Trong tình huống này, tốt nhất là bạn nên rút lui ngay lập tức. Không rời khỏi phòng trong cơn giận, hãy bình tĩnh nói “Bố/Mẹ sẽ ở phòng bên cạnh, khi nào con muốn nói chuyện một cách kính trọng thì hãy sang”.

8-    Hành động nhẹ nhàng nhưng cương quyết

Thay vì đánh vào tay hay tét vào mông trẻ khi con chạm vào những gì không được phép, hãy nhẹ nhàng nhưng cương quyết đưa con đi sang phòng kế bên. Đưa cho con một món đồ chơi hay một đồ vật khác thu hút hơn và nói “Con chơi cái này đi, lần sau bố/mẹ sẽ cho con thử cái kia”. Bạn có thể phải lặp lại nhiều lần nếu con ngang bướng.

9-    Thông báo trước về thời hạn cho trẻ

Một đứa trẻ đang trong cơn giận dữ có thể dễ dàng làm cho cha mẹ bực bội. Trẻ thường nổi giận khi cảm thấy không được coi trọng hoặc bất lực trước một tình huống. Thay vì nói trẻ cần phải rời khỏi nhà bạn ngay bây giờ, hãy nói rằng chúng ta sẽ ra về trong năm phút nữa. Việc thông báo này cho phép trẻ hoàn thành nốt việc đang làm dở.

Hiếu chiến là một dạng bạo lực trong xã hội hiện đại. Một tác nhân của nó chính là đánh đập, chính hành động này tước đi sự tự tin của đứa trẻ, gây tổn hại nghiêm trọng đến lòng nhiệt huyết và khiến trẻ nổi loạn, trở nên bất hợp tác. Hãy hướng tới viễn cảnh về một gia đình biết hợp tác và sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề mà không cần sử dụng vũ lực.

 

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục: